Ý nghĩa của nồi thịt kho ngày Tết

Vào dịp Tết, nồi Thịt Kho Tàu lại mang sức nặng cảm xúc, tinh thần gắn kết mọi thành viên trong gia đình mỗi khi Xuân về. Món thịt kho tàu tuy giản dị nhưng bao năm qua luôn giữ vị trí không thể thiếu trên mâm cơm Tết.

Ở miền Nam khí hậu nóng hơn miền Bắc nên không thể nấu thịt đông, do đó người miền Nam chỉ cần làm một nồi thịt lớn là có khả năng dự trữ khá lâu trong các ngày tết khi chợ chưa mở cửa.

Ý nghĩa của nồi thịt kho ngày Tết
Thịt kho trứng

Đặc điểm vùng sông nước khiến cho miền Nam chỉ có thể nuôi gia súc cỡ vừa & nhỏ và gia cầm nên nguồn trứng vịt và thịt heo (lợn) khá dồi dào. Nước dừa là loại thực phẩm rất phổ biến ở miền Nam do khí hậu nơi đây phù hợp với cây dừa, sự giao lưu tiếp biến với các tộc người như Hoa, Khơme ở đây ảnh hưởng đến ẩm thực của người Việt, món ăn thường có vị ngọt thanh của nước dừa hoặc chút đường. Những yếu tố trên đã góp phần hình thành nên món ăn gọi là "thịt kho trứng" hay "thịt kho tàu" (chữ tàu không phải là món ăn của người Hoa mà có ý nghĩa là lạt hay nhạt)

Thấy thịt kho tàu là thấy Tết

Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho đặt cùng với chén cơm trắng nóng bốc hơi nghi ngút là thấy Tết kề bên. Đó là tâm sự chung của các bạn trẻ khi được hỏi món ăn ngày Tết nào khiến họ ấn tượng nhất.

Một bạn du học sinh tại Pháp cho biết: “Đi học xa, tụi mình nhớ những món ăn gợi nhớ đến quê nhà lắm. Những ngày giáp Tết không về Việt Nam, mình loay hoay tự mua thịt heo, mua hột vịt về kho theo công thức mẹ dạy. Có khi ngồi chờ xoong thịt liu riu chín mềm, nghe mùi nước dừa hòa quyện với mùi thịt cứ lan tỏa trong bếp mà nhớ mẹ, nhớ nhà kinh khủng. Những bữa cơm xa quê, dọn ra mâm thấy có dĩa thịt kho tàu vàng nâu sóng sánh, có cảm giác như Tết vẫn đang hiện hữu dù mình cách xa “vạn dặm”. Với mình, thịt kho tàu không chỉ là một món ăn thuần Việt. Đó còn là hương vị kỷ niệm, là cảm giác ấm áp quây quần, là tiếng cười khen thịt sao mà mềm, mà đậm đà đến vậy của một ngày đầu xuân.”

Món ngon ngày Tết thắt chặt tình cảm gia đình

Trong các món ăn ngày Tết, thịt kho tàu là món luôn gợi nhắc nhiều kỉ niệm. Món ăn tuy đơn giản, tưởng dể làm mà làm thì không dễ, nhất là cách chọn thịt, cách ướp gia vị được pha trộn công phu, để món thịt kho thật đậm đà, đúng vị ngon như mong muốn cần có vài mẹo nhỏ để món thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh.

Thịt kho tàu là món ăn hiếm hoi xuất hiện trong cả thực đơn hàng ngày lẫn mâm cỗ Tết. Với thịt, trứng, vị đậm đà, màu sắc bắt mát, món ăn này mang đến sự ấm cúng, sum vầy. Sự hoà hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Hương vị và ý nghĩa đã khiến thịt kho tàu trở nên quen thuộc và trường tồn cùng Tết Việt.

Về quê đón Tết
Về quê đón Tết

Bí quyết làm món thịt kho tàu:

- Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối, hạt tiêu, hành, tỏi cùng với một ít nước màu dừa cho thịt thật thấm gia vị.

- Đảo thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.

- Khi thịt hơi mềm cho trứng cút (trứng gà hoặc trứng vịt) luộc chín, đã bóc vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon.

- Nêm nếm lại cho vừa ăn, thường nước thịt đã có vị ngọt tự nhiên của nước dừa nên chỉ thêm một tí nước mắm là nồi thịt đã đậm đà.

Lưu ý khi nấu món thịt kho tàu:

- Nên chọn thịt chân giò, miếng có cả nạc lẫn mỡ và da thì kho xong thịt sẽ mềm, trông đẹp mắt hơn. Tốt nhất là tỷ lệ mỡ và thịt bằng nhau nhưng nếu sợ ăn béo có thể mua miếng nhiều nạc hơn.

- Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng với nước mắm ngon, đường, ít muối, hạt nêm cùng một ít nước màu dừa cho thịt thật thấm gia vị.

- Hành, tỏi giã nát giúp thịt thơm ngon hơn nhưng kho để dành ăn lâu thì đừng nên bỏ thêm hai nguyên liệu này.

- Tao thịt cho thật săn lại rồi mới đổ nước dừa vào ngập thịt. Ban đầu vặn lửa lớn cho sôi và vớt bỏ bọt. Sau đó, vặn lửa liu riu để thịt mềm dần và nước dừa chuyển thành màu vàng cánh gián. Để nước thịt trong và đẹp, không nên đậy nắp trong khi nấu.

- Nếu nước dừa cạn thì châm thêm nước sôi vào. Đừng ham kho nhiều nước dừa, nồi thịt sẽ có màu quá sậm không đẹp.

- Khi thịt hơi mềm cho trứng vịt luộc chín, lột vỏ vào kho chung. Trứng không nên bỏ vào sớm kho lâu sẽ bị chai cứng, đổi màu nâu không ngon.

- Để món thịt kho tàu ăn trong nhiều ngày mà vẫn ngon như mới thì bạn nên chia nồi thịt kho thành nhiều phần và cho vào ngăn đá. Hôm nào muốn ăn thì lấy từng hộp ra hâm nóng. Như vậy, thịt và trứng không bị cứng do hâm đi hâm lại quá nhiều lần.